Sài Gòn Bao Dung – TP.HCM Nghĩa Tình: Đông Đúc Nhưng Đủ Chỗ Cho Tất Cả Mọi Hoàn Cảnh
“Sài Gòn đông đúc nhưng đầy bao dung, đủ chỗ cho tất cả mọi hoàn cảnh. Chỉ cần mình cố gắng, Sơn à”. Tuấn “lùn” chia sẻ với tôi như thế sau khi dứt tiếng đàn. Gương mặt anh đen sạm sương gió nhưng nụ cười ấm áp chân tình.
Như lệ thường, sau vài bài bolero cùng dăm ly xị đế, vỉa hè Hải Triều bỗng chốc thành nơi tâm sự của tôi và anh, những kẻ lãng du, cùng lấy thành phố này làm nơi trú ngụ.
Có thể bạn quan tâm: » “Bác Sĩ Kịch Bản” Vincent Ngô Tái Xuất Tâm Huyết Về Sài Gòn
Thương hiệu Tuấn “lùn”
Tuấn “lùn” sinh ra trước năm 1975, trong một con hẻm nhỏ Gò Vấp, cả tuổi thơ lang thang các đại lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi để kiếm sống và học mót các ngón đàn của những nghệ sĩ lang thang. Riết rồi đam mê, lại được trời phú cho giọng hát hơi khê nồng khói súng, rất hợp với những nhạc phẩm về lính.
Anh lại có trí nhớ bẩm sinh nên thuộc rất nhiều bài, vì vậy theo thời gian, Tuấn “lùn” trở thành một “thương hiệu” của các quán đêm ở hè phố Sài Gòn, nhất là các tụ điểm đông dân nhậu khuya như Nguyễn Trung Trực, Hải Triều hay Hàm Nghi.
Tiếng đàn của anh nghe lạ, hơi hướng “phủi” nên ăn giơ với nhạc bolero và không gian vỉa hè, mà nhiều bậc tài danh học hành nhạc viện ra cũng phải tấm tắc khen thầm khi nhìn bàn tay khô sần miết trên phím gỗ, ngón tay điêu luyện lướt trên dây tạo nên những âm sắc bập bùng, hòa quyện với giọng hát nhừa nhựa khê nồng của Tuấn.
Mỗi lần ra đây, thường tôi sẽ ngồi nghe anh đàn dăm bản nhạc quen, để thấy một Sài Gòn rất khác thường hiện về dưới chân cao ốc Bitexco hiện đại. Ở đó có niềm vui, có nỗi nhớ, có buồn thương, có day dứt, có cả những giọt nước mắt rơi cho những mảnh đời.
Những bài hát một thời chiến tranh được Tuấn “lùn” hát lại trong một thành phố hòa bình, hiện đại, văn minh, được sự hưởng ứng của nhiều trái tim đủ vùng miền Trung Nam Bắc, sao mà nghĩa tình đến thế.
Đâu là con đường xưa em đi? Đâu là nơi mảnh trăng non tàn trên hè phố? Đâu là quán nửa khuya đèn mờ hơi khói cho đám trung niên tụ tập trút tâm tư? Ở đâu cũng được, nhưng phải ở trên mảnh đất này.
Thành phố thân thương mở rộng vòng tay cho đám người lữ thứ, lưu lạc kỳ hồ, đến đây dừng bước nhận quê hương. Tôi thầm nghĩ, Sài Gòn không chỉ là của riêng Tuấn “lùn”, của chú Tư cô Tám, của dì Út má Năm, mà Sài Gòn còn là của tôi, của bạn. Dù đến sau, nhưng tình yêu cho mảnh đất này, chắc ai đã kém hơn ai?
Những lúc ngồi trầm mình nghe tiếng đàn của anh Tuấn “lùn” ngậm ngùi bay chầm chậm lên hàng me, hòa vào khói thuốc lãng du, thích thú vô cùng, thấy những đêm Sài Gòn thật đẹp.
Tiếng lòng đêm
Những nghệ sĩ lang thang làm cho thành phố thêm ấn tượng với du khách. Dù vậy, cuộc sống của họ thật bấp bênh. Như Tuấn “lùn” dù có gia đình nhưng nhà phải đi mướn, hàng tháng góp cho chủ nhà tiền sinh hoạt, cả bốn miệng ăn trông cả vào cây đàn. Hôm nào trời mưa hoặc ốm nằm nhà là coi như đói.
Thi thoảng có khách “sộp” mới được năm bảy trăm cho vài tiếng đồng hồ đàn địch, còn không cả tối khản cổ cũng chỉ được vài trăm. Thế nhưng cũng là tạm ổn, vì giọng ca của anh vẫn còn sức hút, vì tha nhân trước sau vẫn còn trọng tiếng đàn, nên cũng còn thấy vui vui.
Gặp tôi lần nào anh cũng cười vui vẻ, dáng mập mạp lũn cũn không lẫn đi đâu được. Tôi mời ăn bát phở anh thường từ chối, nói tối anh không ăn.
“Một cuộc đời dài ngắn có bao lâu, mà để niềm vui gián đoạn? – anh tâm sự – Anh từng trải qua cuộc chiến tranh, từng biết đến đồng đôla xanh đôla đỏ, từng lang thang thuộc từng viên đá lát vỉa hè, nên anh hiểu giá trị của những đêm vui.
Gặp người hiểu tiếng đàn của mình, tựa như ngộ tri âm tri kỷ, đâu có quan trọng chuyện tiền bạc. Thỉnh thoảng gặp nhau, ủng hộ anh là quý rồi”.
Có thể bạn quan tâm: » “Khó Có Giọng Ca Nào Thay Thế Được Tiếng Hát Của Lệ Thu”
Tôi nghe mà xúc động. Tựa như đọc lại được chuyện xưa Bá Nha với Tử Kỳ trên phố mưa bay. Con người này mà cũng nghĩa khí hào sảng như vậy đó. Mà đâu phải riêng anh, có lẽ cả Sài Gòn này là vậy, nếu thực sự là người Sài Gòn.
Không bàn đến tiểu tiết, chơi tới bến, nhiệt tình, đầy sự vô tư. Và sâu bên trong là một sự yêu thương nhau đến lạ, dù là giữa những con người không cùng một xuất thân.
Có thể bạn quan tâm: » Cơm Tấm Sài Gòn: Từ Bình Dân Đến Sang Trọng
“Trời còn thương thì còn cho anh sức khỏe, để còn đi hát kiếm tiền. Bà con cũng thương anh, như em vậy đó, thì anh mới có tiền để góp trả tiền nhà, để nuôi con. Thôi chúc em năm mới khỏe nghen, vạn sự như ý, phát đạt!”.
Anh tạm biệt tôi rồi đi. Tôi nhìn theo bóng anh bước về phía đường Hàm Nghi. Đêm đã sâu nhưng khách vẫn còn dăm bàn đang ăn uống. Tôi thấy anh giống như cánh chim đêm đang xoải cánh gom từng chút thức ăn để nuôi tổ của mình. Miệt mài. Nhẫn nại. Nỗ lực. Hi sinh. Tôi tin chắc điều may mắn và tốt đẹp sẽ đến với anh, như điều anh từng tâm niệm.
“Sài Gòn đông đúc nhưng đầy bao dung, đủ chỗ cho tất cả mọi hoàn cảnh. Chỉ cần mình cố gắng, Sơn à!”.
Người ta cứ hay nói: “Sài Gòn đất lành chim đậu”. Sài Gòn có thể dang tay cưu mang tất thảy những con người ở miền ngược xuôi đến đây làm ăn, kiếm sống. Sài Gòn đông đúc nhưng đầy bao dung, bởi người Sài Gòn đối xử với nhau bằng cái tình, cái nghĩa. Không tính toán so đo, bởi người ta không cần thiết và cũng không muốn làm vậy, mệt cho mình, mệt cho người.
Có thể bạn quan tâm: » 4 Lý Do Hà Nội Ăn Cưới ‘Gọn, Lẹ’ Hơn Sài Gòn